Cách viết điểm mạnh điểm yếu của bản thân trong CV và phỏng vấn

CV là một trong những tài liệu quan trọng để bạn ứng tuyển việc làm. Ngoài kỹ năng, kinh nghiệm thì phần điểm mạnh của bản thân trong CV cũng là yếu tố giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn chưa biết cách trình bày phần này một cách khéo léo, hãy tham khảo bài viết sau đây của VietnamWorks để có thêm kinh nghiệm nhé!

Điểm mạnh của bản thân được hiểu như thế nào?

Xác định đúng điểm mạnh của bản thân là một trong những yếu tố giúp bạn định hướng nghề nghiệp cũng như có phương hướng phát triển cho tương lai. Điểm mạnh (Strengths) là tập hợp những phẩm chất và kỹ năng xuất sắc mà bạn có trong nhiều khía cạnh khác nhau, từ kỹ năng công việc cho đến cuộc sống. Điểm mạnh của mỗi người sẽ thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như:

  • Sự thành thạo trong lĩnh vực chuyên môn
  • Biết 2,3 ngôn ngữ khác nhau và có thể ứng dụng trong công việc
  • Biết dùng nhiều phần mềm khác nhau để phục vụ công việc
  • Khả năng tư duy sáng tạo
  • Có khả năng giao tiếp và trao đổi tốt với đồng nghiệp
  • Có khả năng bán hàng và thuyết phục đối tác, khách hàng
  • Có tính trung thực và tạo được độ tin cậy cho người xung quanh
  • Ưu tiên công việc lên hàng đầu, có trách nhiệm với công việc
  • Tích cực, nhiệt huyết và không ngại gian khó, thử thách
  • Có ý chí phát triển, tiến lên và cầu tiến
  • Đúng giờ, có kỷ luật và nguyên tắc trong công việc và cuộc sống
  • Có khả năng làm việc nhóm
  • Có khả năng giải quyết vấn đề, không bối rối hay ngại ngần trước khó khăn
  • Những tài lẻ khác trong mảng nghệ thuật, giải trí,…

Nếu vẫn chưa thấy nhiều ưu điểm của bản thân từ những điều được liệt kê trên thì bạn cũng không cần lo lắng vì điểm mạnh của mỗi người mỗi khác nhau và vẫn có thể được xây dựng và phát triển theo thời gian. Hoặc bạn có thể tham khảo qua ý kiến hoặc nhận xét của người xung quanh như gia đình, giáo viên, bạn bè hay đồng nghiệp để tìm điểm mạnh của mình.

Điểm yếu của bản thân mình được hiểu như thế nào?

Bên cạnh điểm mạnh thì mỗi chúng ta cũng có những nhược điểm của bản thân hay còn gọi là điểm yếu (Weakness). Đó là những khía cạnh, kỹ năng hoặc năng lực mà ta chưa hoàn thiện hoặc thường gặp khó khăn. Điểm yếu không phải là điều xấu mà là cơ hội để nhận thức, học hỏi và hoàn thiện bản thân. Bằng cách nhìn nhận và đối mặt với điểm yếu, chúng ta có thể trau dồi những kỹ năng mới, tăng sự tự tin và có sự tiến bộ trong công việc và cuộc sống.

Nhận biết được bản thân mình còn thiếu sót ở đâu là cách nhanh nhất để thay đổi và phát triển. Dưới đây là một vài ví dụ về 10 điểm yếu của bản thân mà nhiều mọi người thường gặp:

  • Không tự tin và thường tự đánh giá thấp bản thân mình
  • Thiếu tính nhẫn nại và kiên trì, thường nôn nóng đạt được kết quả nhanh chóng
  • Thiếu tính quyết đoán, hay kéo dài thời gian mà không đưa ra quyết định một cách nhanh chóng
  • Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và mâu thuẫn trong các mối quan hệ
  • Làm việc không lên kế hoạch, thường làm trễ thời gian được giao
  • Thiếu tính tập trung, thường bị phân tâm trong công việc
  • Cần thời gian để thích nghi với môi trường, với sự thay đổi và khó thích ứng với những tình huống bất ngờ
  • Không có khả năng kiểm soát và sắp xếp thời gian
  • Kỹ năng giao tiếp yếu, khó tương tác, truyền đạt ý kiến hoặc thảo luận với người khác
  • Không chịu được áp lực và không biết cách đối mặt với thử thách, khó khăn

    Xem thêm: Cách viết thư ứng tuyển – Cover Letter dành cho người mới ra trường

Cách tự xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Tự đặt câu hỏi cho mình và tìm câu trả lời

Để phát triển điểm mạnh của bản thân trước hết bạn cần phải dành thời gian thật sự cho bản thân mình. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, chúng ta thường vô tình dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, xem ca ngợi thành tích của những “tấm gương” thành công để rồi tự so sánh với bản thân, việc này không chỉ làm tiêu tốn thời gian mà còn khiến bạn mất đi sự tự tin vốn có.

Vậy nên, thay vì chìm đắm trong thế giới ảo, hãy tận dụng thời gian này để tự hỏi về bản thân và bắt đầu hành trình phát triển cá nhân. Việc này sẽ giúp bạn phát triển điểm mạnh điểm yếu của bản thân và có cuộc sống tích cực, cân bằng hơn.

Bạn có thể khám phá bản thân bằng cách đặt ra những câu hỏi như:

  • Bạn thật sự thấy tự tin và thoải mái nhất khi làm gì gì?
  • Trong những việc bạn đã làm, đâu là công việc giúp bạn nhận được tán thưởng và đánh giá cao từ người khác nhất?
  • Môi trường mong muốn của bạn thế nào?
Tham Khảo Thêm:  Khối D thích xê dịch, học ngành nào không lo thất nghiệp?

Bằng cách này, bạn có thể khám phá ra những lĩnh vực mà bạn có thế mạnh và nhận ra những điểm yếu cần cải thiện. Tư duy tự hỏi và tự phản biện giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và đam mê của mình, xác định mục tiêu và tránh bị lạc lõng dưới tác động của những yếu tố bên ngoài.

Tiếp thu các lời nhận xét

Trong cuộc sống, chắc chắn bạn không thể làm tất cả mọi thứ độc lập hoàn toàn mà cần phải hòa nhập vào môi trường và những người xung quanh. Quá trình này không tránh khỏi va chạm và giao tiếp với đa dạng cá nhân, vậy nên thay vì tự chiêm nghiệm một cách chủ quan thì hãy tương tác với người khác để có cái nhìn toàn diện hơn và khám phá những câu trả lời chính xác hơn về bản thân.

Hãy dành thời gian để suy ngẫm về nhận xét của người khác dành cho bạn, đó có thể là lời khen, ý kiến đóng góp không mấy thiện cảm, tuy nhiên đó chắc chắn là những thông điệp có giá trị giúp bạn nhìn nhận về bản thân. Lắng nghe lời khen cũng có thể mở ra những khám phá mới, khiến bạn bất ngờ với những đặc điểm tích cực mà bạn chưa nhận ra. Tuy nhiên, đôi khi sự hài lòng với điểm mạnh và điểm yếu của bản thân có thể khiến bạn không nhận ra những khía cạnh khác của riêng mình.

Ngày nay, giới trẻ có xu hướng theo đuổi quan điểm sống cho bản thân mà không quan tâm đến ý kiến của người khác. Mặc dù có tính chất tích cực, lạc quan và truyền cảm hứng, nhưng nó cũng tiềm ẩn khả năng dẫn đến sự cô đơn, sống bảo thủ và bất chấp ý kiến xung quanh. Vậy nên hãy duy trì sự cân bằng giữa tự chủ và sẵn sàng lắng nghe đánh giá từ người khác để phát triển một cách toàn diện.

Đặt bản thân vào nhiều hoàn cảnh khác nhau

Việc xác định điểm mạnh điểm yếu của bản thân thường đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, không thể diễn ra ngay trong một hoặc hai ngày. Và thực tế nhiều người phải trải qua hành trình khá dài để khám phá những tiềm năng của mình. Hãy để bản thân trải nghiệm nhiều hơn và đặt mình vào những môi trường khác nhau để tạo ra cơ hội để phát triển.

Trong quá trình trải nghiệm, hãy tập trung vào quan sát và nhận biết những sự kiện diễn ra xung quanh. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những thách thức và có khả năng vượt qua chúng ngày càng nhanh thì có thể đó chính là sở trường của bạn.

Làm các bài trắc nghiệm, khảo sát

Đừng đánh giá thấp những bài trắc nghiệm tâm lý, khoa học vì nó có thể là một nguồn tham khảo hữu ích cho hành trình tìm kiếm điểm mạnh của bản thân mình.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet ngày nay, việc tìm kiếm bài trắc nghiệm và cuộc khảo sát về sở thích, tính cách trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần nhập một vài từ khóa trên Google như “cách xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân”, “bài test tìm điểm mạnh”, “bài test ưu nhược điểm của bạn” và ngay lập tức bạn sẽ nhận hàng ngàn hàng triệu kết quả trả về. Dưới đây là một số bài trắc nghiệm khám phá bản thân mà bạn có thể tham khảo:

  • Bài test “Who Am I?” để khám phá bản thân
  • Bài test “16 Personalities” giúp xác định nhóm hướng tính cách và đưa ra những ưu nhược điểm và gợi ý ngành nghề phù hợp cho bạn
  • Bài test “Sokanu Career Assessment” hỗ trợ cho việc hướng nghiệp và xác định công việc thích hợp

Dựa vào nỗ lực hiện tại

Động lực là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người và nó cũng có thể là thứ mà chúng ta đều đang nỗ lực tìm kiếm mỗi ngày. Đôi khi bạn có thể cảm thấy chán nản hay mệt mỏi với hiện tại do nó không phải là thế mạnh chính của mình, vậy hãy dành vài phút để tự hỏi “Vì sao lại chọn công việc này?”, “Mình có đang làm tốt nó không?” hay “Mình có hạnh phúc và vui vẻ khi làm việc này không?”. Đây là cách đơn giản nhất để lắng nghe tiếng lòng từ sâu bên trong bạn.

Cách trả lời câu hỏi điểm mạnh/điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn

Cách trả lời câu hỏi về điểm mạnh của bản thân

Để thể hiện rõ điểm mạnh của bản thân thì thay vì trả lời một cách chung chung bạn hãy kể lại một câu chuyện cụ thể và cách bạn áp dụng điểm mạnh của mình để đạt hiệu quả tốt hơn. Chẳng hạn như, nếu như nói bạn có “kỹ năng giao tiếp tốt” thì hãy bổ sung thêm ví dụ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân một cách cụ thể “Chẳng hạn như khi tôi thay mặt công ty để trình bày một dự án lớn với khách hàng, tôi đã tận dụng mọi khả năng giao tiếp và thương thuyết của mình để thuyết phục họ đồng ý hợp tác.”

Tham Khảo Thêm:  Tin học là gì? Những thông tin cơ bản về IT và công nghệ thông tin

Cách trả lời câu hỏi về điểm yếu của bản thân

Mặc dù có nhiều người khuyên rằng bạn nên chọn những điểm yếu cũng như điểm mạnh, tuy nhiên hầu hết nhà tuyển dụng đều không thích những câu trả lời nước đôi để “lấp liếm” cho khuyết điểm của bản thân như “Điểm yếu của tôi là tính cầu toàn, tôi thường muốn hoàn thành mọi việc hoàn hảo nhất nên đôi khi tốn thời gian hơn bình thường”. Mà hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn hoàn toàn biết được điểm yếu của mình tại đâu và vẫn đang cố gắng khắc phục, hãy trả lời như sau “Điểm yếu của tôi là khả năng quản lý thời gian, tuy nhiên để khắc phục được điều này, tôi đã áp dụng thường xuyên việc tạo checklist và mức độ ưu tiên cho công việc. Và hiện nay tôi tự tin mình đã cải thiện và có thể hoàn thành các công việc được giao đúng deadline”.

Vẫn có một vài lưu ý khi thể hiện điểm yếu như sau:

  • Không nên trả lời quá tiêu cực hay quá mạnh mẽ
  • Cần chú ý đến cách trả lời sao cho phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển
  • Nên có bằng chứng cụ thể để minh chứng cho những gì bạn nói
  • Có cam kết khả năng tự nhận thức và học hỏi

Cách trình bày điểm mạnh và điểm yếu của bản thân trong CV

Vậy làm thế nào để trình bày điểm mạnh điểm yếu trong CV để “được lòng” nhà tuyển dụng nhất? Hãy tham khảo hướng dẫn cách trình bày điểm mạnh điểm yếu của bản thân dưới đây nhé.

Để được bước vào vòng phỏng vấn, bạn cần phải vượt qua vòng khảo CV, đây cũng chính là bước đầu tiên để bạn thể hiện những điểm mạnh của bản thân của mình như kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng. Để tạo ấn tượng mạnh mẽ, CV của bạn cần phải có đầy đủ thông tin cần thiết, có điểm đặc sắc và sáng tạo hơn khiến chúng nổi bật hơn hẳn trong hàng trăm, hàng ngàn CV mà công ty nhận được.

Các điểm mạnh trong CV cần được trình bày một cách cụ thể và rõ ràng giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ về bạn và khả năng phù hợp với vị trí công việc. Khả năng hỗ trợ và tương tác giữa các điểm mạnh cần được thể hiện hài hòa, tạo ra ấn tượng tích cực và khiến bạn trở nên đặc biệt hơn đối với nhà tuyển dụng.

Khi nhà tuyển dụng đã chú ý đến CV của bạn, những điểm mạnh đã được liệt kê sẽ trở thành những chủ đề chính trong cuộc phỏng vấn tiếp theo. Vậy nên dù bạn đang ứng tuyển ở bất kỳ lĩnh vực nào thì điểm mạnh vẫn là yếu tố được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, hãy sử dụng từ ngữ đơn giản, ngắn gọn và súc tích để truyền đạt cũng như luôn giữ vững tính trung thực khi viết CV. Hạn chế dùng những ngôn ngữ quá phức tạp để tránh tạo mang đến cảm giác phô trương.

Một số mẫu câu trình bày điểm mạnh và điểm yếu với nhà tuyển dụng

Vậy làm sao để thể hiện điểm mạnh của bản thân cũng như những nhược điểm một cách khéo léo nhất? Dưới đây là một vài ví dụ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân để thể hiện với nhà tuyển dụng.

Cách trả lời cho những câu hỏi về điểm mạnh

Tính trách nhiệm:

“Tôi luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu và sẵn lòng dành thời gian cá nhân và thực hiện mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chẳng hạn như khi đảm nhận vị trí Marketing tại công ty ABC, tôi đã đối mặt với một thử thách khi khách hàng yêu cầu phải hoàn thành bản kế hoạch cho một dự án lớn trước 5 ngày hạn chót do có sự thay đổi về nộp hồ sơ cho lãnh đạo. Tôi và các thành viên trong tổ của mình đã làm việc liên tục đến 3 giờ sáng trong 3 ngày liên tục để đảm bảo kế hoạch được diễn ra đúng tiến độ và không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của khách.”

Kỹ năng bán hàng:

“Tôi đã từng thử sức với vị trí nhân viên tư vấn bảo hiểm ngay từ năm ba đại học, thời gian đầu việc tiếp cận và tư vấn khách hàng là một thách thức lớn, tuy nhiên sau 4 tháng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, trung bình tôi đều bán được 50 gói bảo hiểm mỗi tháng và được vinh danh là nhân viên bán hàng xuất sắc nhất trong lễ tổng kết cuối năm 2019. Tôi hy vọng có thể ứng dụng kinh nghiệm có sẵn cùng với những kiến thức mới tại đây để cùng đóng góp vào sự phát triển của chung của công ty.”

Kỹ năng viết lách:

“Tôi nhận ra mình yêu thích văn học và có sở thích viết lách ngay từ những năm cấp 3, lúc đó tôi còn may mắn được cộng tác với báo Hoa Học Trò ở chuyên mục truyện ngắn. Sau đó, tôi đã thực tập tại vị trí Content Creator cho một agency marketing và được giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Cùng với các đồng đội khác trong tổ, chúng tôi đã cùng nhau thực hiện nhiều dự án thành công từ năm 2019 đến nay. Với hơn 3 năm kinh nghiệm, tôi tin rằng mình có đủ năng lực để trở thành nhân viên xuất sắc cho vị trí Content Leader mà công ty đang tìm kiếm.”

Tham Khảo Thêm:  Freelancer là gì? Top 5 công việc freelancer cho sinh viên

Cách trả lời cho những câu hỏi về điểm yếu

Bên cạnh điểm mạnh thì bạn cũng cần phải có cách trình bày điểm yếu của bản thân một cách khéo léo để Nhân sự không đánh giá thấp mà vẫn thể hiện được sự chân thật.

Khó kiểm soát cảm xúc:

“Tôi thừa nhận rằng một trong những điểm yếu của mình là khá khó kiềm chế cơn nóng giận. Khi mọi việc không diễn ra như mong đợi, tôi thường cần một khoảng thời gian để bình tĩnh và giảm đi cơn khó chịu của mình. Nhận biết được điều này nên tôi đã tham gia một khóa thiền và vẫn đều đặn thực hành mỗi ngày. Hơn 3 tháng từ lúc bắt đầu thiền, tôi cảm nhận được mình đã tích cực hơn khi tiếp cận vấn đề và giờ đây tôi có khả năng kiểm soát cơn giận hay cảm xúc tiêu cực của mình tốt hơn.”

Thói quen không lập kế hoạch:

“Trước đây tôi không có thói quen lên checklist cụ thể những việc cần làm cũng như hạn chót cụ thể, đây có thể xem là khuyết điểm của bản thân khiến tôi thường chỉ hoàn thành công việc gần hạn deadline và ít khi được giao các dự án quan trọng khác. Để khắc phục thói quen này, tôi đã tham gia vào khóa đào tạo về phương pháp lên kế hoạch và ứng dụng trong công việc. Sau 2 tháng học và vẫn đang cố gắng thực hiện theo bài giảng mỗi ngày, tôi nhận thấy mình không còn bỏ lỡ các công việc cần thiết, thực hiện trước deadline sớm và thấy công việc có phần chuyển biến tích cực.”

Ngại đưa ra quan điểm trước đám đông:

“Tôi từng là người khá thu mình và ít khi giao tiếp khi ở cùng đám đông, vậy nên trong các buổi họp tôi cũng khá ngại đưa ra ý kiến của riêng mình. Cho đến một ngày có sự cố kỹ thuật lớn trong nhóm làm việc khiến tôi phải đưa ra ý kiến tuy nhiên lại ngại gặp mặt trực tiếp nên tôi đã chọn cách trình bày qua mail. Mặc dù việc đó đã giúp giải quyết vấn đề kịp thời nhưng tôi nhận thấy sự lo ngại này là một rào cản rất lớn cho sự phát triển của mình. Vậy nên tôi đã tham gia vào các khóa học kỹ năng giao tiếp cũng như các câu lạc bộ để có cơ hội chia sẻ và trò chuyện nhiều hơn. Sự thay đổi này đã giúp tôi tự tin hơn và được cân nhắc lên vị trí cao hơn chỉ sau vài tháng thay đổi.”

FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về điểm mạnh điểm yếu của bản thân

Một số câu hỏi về điểm mạnh thường gặp khi phỏng vấn

Một vài câu hỏi về điểm mạnh của bản thân mà bạn dễ dàng gặp phải từ các nhà tuyển dụng có thể kể đến như:

  • Bạn có những điểm mạnh nào phù hợp với công việc?
  • Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
  • Những điểm mạnh nào đã giúp bạn thành công trong công việc?
  • Điểm mạnh nào hỗ trợ bạn hoàn thành công việc tốt nhất?
  • Bạn có thể mang đến điều gì cho công ty?

Một số câu hỏi về điểm yếu thường gặp khi phỏng vấn

Dưới đây là những câu hỏi về điểm yếu bạn dễ gặp phải:

  • Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?
  • Bạn đã có biện pháp nào để khắc phục những điểm yếu của mình?
  • Điểm yếu khiến bạn gặp trở ngại trong công việc là gì?
  • Bạn nghĩ đâu là thách thức lớn nhất khi làm việc ở vị trí này?
  • Bạn thường gặp những nhận xét hay đánh giá tiêu cực nào nhất?

Nên hay không nên chia sẻ thật về điểm yếu

Điểm yếu cũng là một phần quan trọng khiến nhà tuyển dụng đánh giá về mức độ phù hợp của công việc. Vậy nên hãy chia sẻ điểm yếu một cách khéo léo, tinh tế và không ảnh hưởng quá sâu đến vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy công việc đòi hỏi một kỹ năng nào đó quá sâu và điểm yếu của mình là kỹ năng đó mà vẫn chưa khắc phục được thì hãy tự cân nhắc, đừng cố gắng trả lời sai sự thật để nhận phải khó khăn trong tương lai.

Bài viết trên đây đã mách bạn tất tần tật về điểm mạnh của bản thân cũng như cách trình bày và ví dụ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân để bạn ứng dụng cho việc tìm công việc phù hợp cũng như khi viết CV và phỏng vấn. Chúc bạn thành công!

Tin liên quan

Trang blog chia sẻ kiến thức trong cuộc sống .

© Bản quyền thuộc về tác giả và nguồn tin được trích dẫn. © Copyright 2024. Theme AKteam.